Thông tin Tin tức Chi tiết bài viết

Nông nghiệp Thừa Thiên Huế hướng đến xây dựng các vùng sản xuất

28/07/2022, 09:17

Việc xuất hiện các mô hình kinh tế hiệu quả hướng đến hình thành các vùng sản xuất tập trung, bền vững sẽ giúp giải quyết những tồn tại “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay đứt gãy trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong năm 2022, ngành Nông nghiệp Thừa Thiên Huế được dự báo là sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và sự thay đổi về nhu cầu, phương thức tiêu dùng, cả thị trường trong nước cũng như xuất khẩu do tình hình dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành nông nghiệp tại địa phương này lâu nay cũng tồn tại những bất cập nhất định như: các vùng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; các chuỗi nông sản còn thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững; chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế…

Trước bối cảnh đó, trong những năm vừa qua và gần nhất là năm 2021, nhiều mô hình kinh tế đã được thử nghiệm. Đáng mừng là, bước đầu các mô hình này đã đạt được những kết quả khả quan, gợi mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp  Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Hình thành vùng sản xuất cua trứng bền vững

Cua biển (Scylla paramamosain) được xem là một đối tượng nuôi đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá. Đây là đối tượng bản địa có chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng và phân bố tự nhiên tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và đầm Lập An của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, như nhiều mặt hàng nông sản khác, cua biển cũng đứng trước nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hoặc gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Để giải quyết vấn đề trên, từ năm 2021 – 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình nuôi Cua gạch (Scylla paramamosain) trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Theo đó, cua trong dự án này được nuôi theo 2 giai đoạn gồm: giai đoạn ương khoảng 1,5 tháng và giai đoạn nuôi khoảng nuôi 4 tháng. Cùng với đó, cua trong dự án này sẽ được giới thiệu, kí kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm qua đó hướng đến tạo thành các vùng sản xuất cua trứng.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai dự án (2021), từ các tiêu chí cụ thể đã có 04 hộ tại xã Hương Phong (TP. Huế) và thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) được lựa chọn để nuôi thí điểm.

Kết quả, tại các hộ Nguyễn Văn Năm, Nguyễn Văn Vịnh (xã Hương Phong), sau 5,5 tháng ương và nuôi cua, lợi nhuận mô hình mang lại 60 – 80 triệu đồng/hộ. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi khi lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với nuôi cua thịt.

Hiệu quả của mô hình “3 giảm, 3 tăng”

Trong vụ hè thu 2021, ngành Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đã áp dụng biện pháp canh tác 3 giảm, 3 tăng (trong đó có IPM) trên cây lúa (gọi tắt là mô hình 3 giảm, 3 tăng) trên diện tích 106 ha/12 điểm với 791 hộ tham gia và sử dụng các giống lúa đang được sản xuất đại trà tại địa phương gồm: TH5, KD, HT1, LDA1, HN6, HG12.

Trong mô hình này, người dân giảm được 20 – 40kg lúa giống/ha; lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho lúa trong mô hình 3 giảm, 3 tăng cũng ít hơn so với việc sản xuất lúa theo lối canh tác cũ của người dân, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người và tạo ra các sản phẩm nông sản sạch.

Mô hình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng giúp nâng cao sản lượng và bảo vệ môi trường.

Mô hình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng giúp nâng cao sản lượng và bảo vệ môi trường.

Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế nhận định, khi áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng, cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh tập trung, tỉ lệ nhánh hữu hiệu đạt cao hơn, số hạt chắc/bông tăng, thời gian trổ và chín tập trung, hạn chế sâu bệnh gây hại. Năng suất tại ruộng 3 giảm 3 tăng tương đương hoặc cao hơn ruộng đối chứng từ 1 - 5 tạ/ha, chất lượng hạt lúa đồng đều hơn, ít bị lem lép. Nổi bật, tại HTX Phù Nam (thị xã Hương Thủy) cao hơn đối chứng 04 tạ/1ha, con số này tại HTX Thanh Hương (huyện Phong Điền) là 05 tạ/1ha.

Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp canh tác 3 giảm 3 tăng giúp giảm chi phí sản xuất do vậy đã mang lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân.

Đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ thay đổi tập quán canh tác

Đánh giá chung về 2 mô hình trên, ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, việc thay đổi thói quen canh tác trước đó của người dân, áp dụng  tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thừa Thiên - Huế hướng đến xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Thừa Thiên Huế hướng đến xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Điển hình, mô hình nuôi cua trứng, ngoài việc sử dụng một số thiết bị, chế phẩm sinh học để theo dõi quản lý chặt chẽ các chỉ số môi trường trong ao nuôi thì khi chuyển sang giai đoạn nuôi người dân cần lựa chọn theo tỉ lệ là 15:85 (15% cua  đực : 85% cua cái) thay vì nuôi hết toàn bộ số cua đã thả trước đó. Điều này giúp tỉ lệ cua trứng thành phẩm nhiều hơn, giá thành cao hơn so với cua thịt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi, ông Châu Ngọc Phi diễn giải.

Bên cạnh đó, các mô hình này còn mang lại nhiều giá trị trong việc bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong năm 2022, các mô hình này sẽ tiếp tục được phát triển, nhân rộng tại Thừa Thiên - Huế.

"Thành quả của các mô hình là cơ sở để hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, từ đó liên kết bao tiêu sản phẩm tốt hơn từng bước tháo gỡ khó khăn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay đứt gãy trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tại địa phương", ông Châu Ngọc Phi đánh giá.

VIDEO