Thông tin Thư viện nông nghiệp Chi tiết bài viết

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: Không còn lo “được mùa – mất giá”

07/08/2023, 08:17

Trung tuần tháng 7, TX. Hương Thủy phối hợp với Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) triển khai một số lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị, tiến đến áp dụng vào những vụ mùa tới cho nông dân, xã viên các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp: Thủy Phù, Phù Bài, Thủy Tân, Thủy Dương, Vân Thê, Phù Nam, Thủy Châu.

Ông Ngô Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho hay, Hương Thủy là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tính riêng vụ đông - xuân năm 2023, tổng diện tích gieo cấy toàn thị xã hơn 2.738ha, năng suất trung bình đạt 69,1 tạ/ha, tăng 12,5 tạ/ha so với năm 2022. Chính vì vậy, sản xuất lúa theo chuỗi giá trị sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn, đóng góp tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Thực tế đã chứng minh, khi nông dân tham gia mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất cộng đồng; hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và được bao tiêu sản phẩm, không bị thương lái ép giá, tránh chuyện được mùa – mất giá. Ở chiều ngược lại, các đơn vị bao tiêu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm…, qua đó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Ngô Văn Vinh nói.

Mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị không xa lạ với bà con nông dân toàn tỉnh. Riêng ở Hương Thủy, có thể kể đến một số HTX triển khai khá hiệu quả mô hình này, như: Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Dương…, qua đó, giúp người nông dân tăng thu nhập so với làm ngoài mô hình. Chẳng hạn như giống lúa Khang dân, khi tham gia chuỗi liên kết, bà con bán với giá 6.800 đồng – 7 ngàn đồng/kg, còn với lúa ngoài mô hình, giá bán ra thị trường chỉ khoảng 6.500 đồng/kg.

Trước hiệu quả thấy rõ, hiện nay nhiều HTX trên địa bàn TX. Hương Thủy vẫn đang đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với diện tích 948ha, trong đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ là 30ha. Và, chuyện Hương Thủy này tiếp tục mở các lớp tập huấn đã cho thấy, việc tham gia sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị đã, đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được nhiều bà con nông dân hưởng ứng.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, khó khăn của việc xây dựng chuỗi giá trị hiện nay là rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhất là trong khâu thu mua.

Là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết khi vào khoảng năm 2010, HTX nông nghiệp Thủy Thanh đã chủ động liên hệ và hợp tác với Công ty CP Giống cây trồng – vật nuôi Thừa Thiên Huế trong việc sản xuất, thu mua lúa giống. Sự hợp tác này vừa giúp bà con nông dân yên tâm đầu ra khi có thể giải quyết được những diện tích lúa thu hoạch sớm hoặc trái vụ, vừa giúp tăng thu nhập.

Nhưng qua thời gian dài gắn bó, mối “lương duyên” này phải dừng lại, và có nguy cơ không thể tái hợp. Ông Trần Duy Minh - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Thanh cho hay, hai năm trở lại đây, HTX không còn làm ăn với công ty do họ không thu mua lúa đổ ngã sau khi có một số diện tích trồng lúa của bà con bị ảnh hưởng gió lốc, kể cả với giá thấp.

Theo ông Minh, không bán cho công ty, bà con vẫn có thể bán ra thị trường, giá khoảng 6.200 đồng/kg. “Nhưng vấn đề ở đây là trước thời điểm thu hoạch và bị đỗ ngã, bà con đã bỏ nhiều công đi lặt lòn (loại bỏ cỏ dại, lúa xấu… mọc lẫn) nhằm cung ứng cho công ty lúa có chất lượng, mặt khác, cả 2 đã gắn bó với nhau hơn 20 năm nay, nếu không thể mua được với giá như lúc bình thường thì kể cả mua với giá thấp hơn thị trường, bà con vẫn bán”.

“Việc tiêu thụ lúa là thứ yếu bởi như đã nói, có thể bán ra thị trường, mà tình cảm, sự gắn bó mới là điều khiến bà con quan tâm, nên khi công ty thông báo không mua, nhiều người rất thất vọng, thậm chí bức xúc, dẫn đến ngừng hợp tác với công ty”, ông Trần Duy Minh chia sẻ.

Đồ rằng trong câu chuyện này, Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế cũng có cái lý của mình, cũng như chỉ là một điểm nhỏ trong diện rộng, không phải phổ biến. Nhưng dù vậy, đây chính là bài học để các bên tham gia chuỗi liên kết trước khi “bắt tay” nên lường trước và có những phương án giải quyết thấu tình đạt lý nếu xảy ra trường hợp tương tự, qua đó, giúp mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị càng hiệu quả, ý nghĩa hơn.

Bài, ảnh: ĐĂNG ĐOÀN

VIDEO
Xây dựng xã thông minh tại Quảng Thọ
Làm giàu nhờ mô hình trồng rau má tại xã Quảng Thọ