Thông tin Thư viện nông nghiệp Chi tiết bài viết

Phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

07/08/2023, 08:14

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính thông tin, hiện nay lúa đang giai đoạn làm đòng, một số diện tích đã trổ. Qua kiểm tra đồng ruộng, một số đối tượng sinh vật gây hại lúa như bệnh khô vằn bị nhiễm khoảng 850ha, bệnh lem lép hạt 45ha, sâu cuốn lá nhiễm gần 500 ha, nhện gié nhiễm 580ha với tỷ lệ 5-20%, nơi cao 30-40%. Chuột gây hại tại nhiều xứ đồng với diện tích 866ha, tỷ lệ 5-10%, nơi cao 20%. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như rầy, bọ phấn, lem lép hạt, thối thân thối bẹ, đốm nâu, gạch nâu… gây hại mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, do ảnh hưởng của dải áp thấp nên có khả năng gây mưa trên diện rộng, ảnh hưởng đến quá trình trổ bông của cây lúa. Những ngày còn lại thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, chiều tối và đêm có mưa rào tạo điều kiện nóng ẩm, thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật gây hại gia tăng trên đồng ruộng.

Để kịp thời quản lý, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại giai đoạn lúa trổ-chín, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng các địa phương, hợp tác xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển cây lúa. Cán bộ chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời trên diện hẹp, tránh chủ quan để các đối tượng sinh vật phát sinh gây hại nặng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ dự tính sâu nở từ ngày 25-30/7, ngay từ lúc này các địa phương, nông dân tăng cường điều tra, theo dõi, đánh giá mật độ, diện phân bố, khoanh vùng để phun trừ nơi có mật độ cao. Đối với rầy nâu, bọ phấn (rầy phấn trắng) sau phun 2-3 ngày tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy tiếp tục nở, xu hướng rầy phát triển gia tăng thì phun lần hai để chống tái nhiễm. Riêng nhện gié cần tập trung vệ sinh bờ ruộng nhằm hạn chế nơi cư trú của nhện, điều tiết nước hợp lý; kiểm tra kỹ và phát hiện sớm nhện gây hại trên gân lá, bẹ lá để phun thuốc phòng trừ phù hợp.

Để phòng trừ bệnh lem lép hạt, các hợp tác xã, nông dân điều tiết nước hợp lý, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa để hạn chế hạt lép lững, phun thuốc phòng bệnh khi lúa trổ vè thưa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1: 5-7 ngày). Nông dân phải lựa chọn các loại thuốc có tác dụng phòng bệnh lem lép hạt và trừ bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng... phù hợp và hiệu quả. Giai đoạn cây lúa đang làm đòng-trổ thường có vị ngọt nên cần ưu tiên sử dụng các biện pháp cơ học (như bẫy kẹp, bẫy dính…) và đánh bắt chuột thủ công.

Quá trình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chuột phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”, phun đủ lượng thuốc, nước trên đơn vị diện tích (20-30 lít/500m2). Phun thuốc vào chiều tối, sau khi phun nếu gặp mưa dông tiến hành phun lại lần 2 để hạn chế sinh vật gây hại tái nhiễm. Đồng ruộng phải được giữ nước từ khi lúa làm đòng đến trổ, chín, chỉ tháo cạn ruộng trước khi thu hoạch 7 ngày.

VIDEO
Xây dựng xã thông minh tại Quảng Thọ
Làm giàu nhờ mô hình trồng rau má tại xã Quảng Thọ