HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ là đơn vị điển hình của huyện Quảng Điền trong công tác liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương, góp phần giải quyết tiêu thụ sản phẩm rau má của người dân, với thương hiệu “Rau má Quảng Thọ” đã tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường trong cả nước ưu chuộng
Rau má là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2, với hơn 300 hộ tham gia sản xuất trên diện tích trên 45 ha theo chuẩn VietGAP. Trước đây, Rau má sạch được thương lái đến tận đồng ruộng thu mua tại ruộng với giá cả không ổn định.
Để bao tiêu sản phẩm rau má cho người dân, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, thời gian qua, HTX đã tiến hành xây dựng cơ sở thu mua, nhà máy chế biến “Trà rau má” ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sấy khô, sục ozon, đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ tìm kiếm đầu ra. Đồng thời, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 còn tiến hành đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì “trà rau má Quảng Thọ” với sản phẩm “trà rau má túi lọc” và “trà rau má sấy khô” và sản phẩm “bột Maccha rau má” cung ứng ra thị trường trong cả nước. Bình quân 1 ha rau má của người dân có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ năm, đã góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ rau má. Mới đây, Sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao.
Cùng với liên kết trong sản xuất rau má, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 còn liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững để giải quyết đầu ra sản phẩm ổn định cho người dân gồm: liên kết và làm cầu nối trung gian thường xuyên cho Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên – Huế, Công ty Cổ phần Giống cây trồng – Vật nuôi Thừa Thiên – Huế với người dân để có giống lúa ít bị sâu bệnh và năng suất cao, vật tư nông nghiệp theo quy trình sản xuất… trồng hơn 70ha lúa chất lượng cao và hai công ty thu mua tại đồng ruộng với giá cao.
Còn đối với HTXNN Quảng Thọ 1, xã Quảng Thọ và HTX Phú Hòa, xã Quảng Phú đã đầu tư công nghệ chế biến tinh dầu lạc, sản phẩm đậu lạc của người dân trên địa bàn được tiêu thụ ổn định. Sản phẩm đậu lạc không những giải quyết đầu ra ổn định mà còn chấm dứt tình trạng lái buôn ép giá, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, bình quân mỗi ha trên 100 triệu đồng/vụ.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, HTX Thống nhất, xã Quảng Thái đã xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình “chuỗi giá trị” nhằm phù hợp trước yêu cầu mới. Trong những năm qua, HTX đã Hợp đồng với nhà máy rượu Sake Huế bao tiêu sản phẩm khoai lang mỡ của bà con nông dân, Hoạt động của HTXNN vừa tạo lợi nhuận cho HTX, góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại HTX Thắng Lợi, xã Quảng Lợi, Mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng ở Quảng Lợi với hơn 100 ha, không chỉ thuận lợi cho quá trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và đạt năng suất cao, mà còn tạo nguồn sản phẩm an toàn, tăng giá trị sản phẩm. Qua các vụ đầu tiên cho thấy, sản phẩm lúa được tiêu thụ với giá ổn định, tăng 1.000-1.500 đồng/kg so với sản phẩm truyền thống.
HTXNN Thắng Lợi còn hợp đồng với Công ty Rượu Sakê Huế, tổ chức sản xuất và tiêu thụ khoai lang mỡ, giúp các hộ thành viên và nông dân yên tâm sản xuất, ổn định giá cả.
Hiện nay, các HTX, các địa phương trong huyện đang hướng đến việc liên kết trong sản xuất để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Xã Quảng Thành là địa phương có diện tích sản xuất rau xanh khá lớn của huyện Quảng Điền với các loại rau như: cải, ngò, tần o, xà lách, rau thơm…Rau xanh Quảng Thành được doanh nghiệp tư nhân Hóa châu thu mua và liên kết tiêu thụ với các siêu thị, các chợ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên, huyện Quảng Điền chú trọng liên kết trong sản xuất lúa. Đến nay, huyện Quảng Điền đã tập trung mở rộng xây dựng cánh đồng lúa lớn chất lượng 560 ha, với 20 cánh đồng, trong đó, có hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị 250 ha, giá trị bình quân tăng từ 10 đến 12 triệu đồng/ ha. Mở rộng diện tích được cấp chứng nhận Vieetgap lên 98,2 ha. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bước đầu có một số kết quả tốt. Huyện Quảng Điền đã chỉ đạo HTX sản xuất nông nghiệp Đông Vinh liên kết, hợp đồng với tập đoàn Quế Lâm Miền Trung thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 23 ha giống lúa DT 39 gồm vụ Đông Xuân 39 ha, vụ Hè Thu 12 ha, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp giữ độ phì nhiêu của dất, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Mô hình trồng đậu nành hữu cơ liên kết bao tiêu sản phẩm 1,2 ha trong vụ Đông Xuân, trồng Ngô hữu cơ 2,25 ha trong vụ Hè Thu tại HTX Phú Thuận xã Quảng Phú…
Cùng với chú trọng liên kết trên lĩnh vực nông nghiệp, trong chăn nuôi, huyện Quảng Điền cũng đã chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương liên kết với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong chăn nuôi lợn, gà và tiêu thụ sản phẩm, nhất là các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở vùng rú cát của 3 xã Quảng Lợi, Quảng Vinh và Quảng Thái, đã liên kết với tập đoàn Quế Lâm, các siêu thị, nhà hàng và các chợ trong tỉnh để tiêu thụ sản phẩm lợn, gà sạch của Quảng Điền.
Trong nuôi trồng thủy sản huyện Quảng Điền cũng chú trong liên kết trong khâu chọn con giống, quá trình thả nuôi và tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản của huyện, với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Theo phòng NN và PTNT huyện Quảng Điền cho biết: trong những năm gần đây, thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện Quảng Điền” các địa phương trong huyện đã xây dựng thành công phương thức sản xuất kinh doanhtheo “chuỗi giá trị”, điển hình như các HTXNN: Quảng Thọ 2, Phú Hòa, Quảng Thọ 1, số 2 Sịa, Đông Phước, Thắng Lợi, Đông Vinh, Thống Nhất... Một số HTX còn áp dụng công nghệ, hệ thống tưới phun tự động cho cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả, năng suất cao, như HTXNN Quảng Thọ 2 đã áp dụng tưới cho 3,5 ha rau má, hơn 1 ha hành, kiệu, hoa; HTXNN Kim Thành tưới 2,05 ha rau các loại; HTX Phú Thanh phun tưới tự động cho 1,1 ha rau...
Trong giai đoạn 2021 và những năm tiếp theo, để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Quảng Điền sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để các HTX, các địa phương liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như:lúa, lạc, sen, lợn, gà, khoai lang tím và Khoai lang Hoàng Long ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn, và các loại thủy sản đặc sản, cá trắm cỏ ở Quảng Thọ... Hiện nay, huyện Quảng Điền đang triển khai 07 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và 06 dự án sản xuất nông nghiệp tổng hợp, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ông Trần Quốc Thắng Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền khẳng định: Huyện sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, liên kết, liên doanh với các HTX trong thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện sẽ chú trọng hỗ trợ tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng logo nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm, tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định hàng nông sản địa phương. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, giúp người dân vươn lên làm giàu từ nông nghiệp./.