Thông tin Thông tin thị trường Chi tiết bài viết

Phát triển bền vững chính là điều kiện cần của gạo Việt

06/12/2023, 11:40

Nỗ lực nâng tầm gạo Việt

Ngày 2/11, tại Trung tâm Samsung R&D – Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã ký kết và trao đổi Ý định thư Tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD giữa LTG và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO).

Phát triển bền vững chính là điều kiện cần của gạo Việt
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã ký kết và trao đổi Ý định thư Tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD giữa LTG và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO).

Là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Lộc Trời (LTG) đã và đang nỗ lực từng ngày để thực hiện sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”. Những nỗ lực và cam kết này đã dẫn dắt rất nhiều đối tác đến với LTG trong hành trình 30 năm phát triển.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, gạo Việt Nam từ xưa đến nay không có thương hiệu trên thế giới và khi gặp được các chuyên gia lúa gạo đầu tiên, họ khẳng định lúa gạo Việt Nam là một trong những nguồn tốt nhất thế giới.

“Lúc đó tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao gạo Việt Nam không xuất hiện trên thị trường thế giới với thương hiệu Việt Nam? Hiện 1 năm, Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài khoảng 6 triệu tấn gạo nhưng tại sao chưa có thương hiệu riêng của doanh nghiệp? Bắt đầu từ câu hỏi đó, dựa trên nền tảng chuyên gia và nhà khoa học xác nhận rõ ràng rằng gạo Việt Nam tốt nhất thế giới cả về chất lượng, quy trình, dư lượng thuốc trừ sâu… chúng tôi xác nhận rằng phát triển bền vững chính là điều kiện cần của gạo Việt” – ông Thuận nói.

Do đó, thời gian qua, Lộc Trời đã thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời; đào tạo nông dân thực hành các tiêu chí SRP với tiền thưởng để xây dựng thói quen; mời cơ quan quốc tế xác minh và chứng nhận các chứng chỉ quốc tế; triển khai cho tất cả nhân viên, tất cả các quy trình của công ty và tất cả nông dân hợp tác; đa dạng hóa khi luân canh nuôi trồng giữa tôm và lúa, Lộc Trời có thể sản xuất loại gạo thơm tốt nhất trên thế giới là "gạo tôm".

Phát triển bền vững chính là điều kiện cần của gạo Việt
Lộc Trời luôn nỗ lực triển khai mô hình sản xuất lúa gạo bền vững

Bên cạnh đó, trong các nhà máy chế biến, nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch như rơm rạ cho khí sinh học, ủ rơm làm phân bón hữu cơ, dùng rơm làm giá thể trồng nấm tăng thu nhập cho nông dân, ép trấu viên dùng cho nhà máy phát thay thế than nhập khẩu, sản xuất nano silica từ trấu, dùng cám để sản xuất vật dụng nhà bếp thay thế nhựa…; giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch bằng cách áp dụng kaizen trong 10 nhà máy của Lộc Trời để tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%; áp dụng năng lượng mặt trời trong tất cả các nhà máy của Lộc Trời để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng, về quản lý và kiểm soát, số hóa tất cả các hoạt động trong Lộc Trời để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa. Điều này giúp Lộc Trời không chỉ có được nguồn gạo chất lượng cho xuất khẩu mà còn hướng tới phát triển bền vững.

Trợ lực từ ngân hàng Hà Lan

Trong khi đó, Hà Lan - một nước nghèo đất canh tác nhưng bằng các chính sách và bước đi thích hợp, đã xây dựng thành công một nền nông nghiệp phát triển bền vững, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao nhất thế giới.

Hà Lan có khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, bình quân diện tích đất canh tác khoảng 0,058 ha/người - thuộc mức thấp nhất của thế giới. Vì thiếu đất canh tác, nước này đã thực thi chiến lược “đầu tư cao - sản xuất nhiều” để phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính, trồng các loại hoa, rau, củ, quả… cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), trong nhiều năm, Hà Lan có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top 2 thế giới, như hoa tươi, cây cảnh trong chậu, cà chua, khoai tây, hành tây, hạt giống…

FMO – Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan, tổ chức tín dụng được xếp hạng AAA bởi cả 2 đơn vị đánh giá hàng đầu thế giới, Fitch và Standard & Poor’s, có chung định hướng hoạt động với LTG, đó là thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

FMO lựa chọn tài trợ cho LTG dựa trên quá trình xác minh thực tế theo chuẩn mực quốc tế về bảo vệ môi trường, ổn định xã hội và quản trị minh bạch (ESG). LTG lựa chọn nhận nguồn vốn FMO dựa trên sự ổn định về nguồn vốn và sự nhất quán trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

FMO đã đồng thuận cấp hạn mức tín dụng 90 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng) cho LTG. Khoản tín dụng này được cam kết sử dụng cho hai mục đích ngắn hạn và dài hạn, theo đó tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững; tín dụng trung và dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng gạo của LTG.

Sự hợp tác của hai bên cải thiện đời sống nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, huy động vốn tư nhân, tăng cường khả năng thích ứng khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong suốt gần 2 năm, chuyên viên của Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp của Hà Lan của FMO đã trực tiếp qua Việt Nam nhiều lần, ngoài ra các đơn vị thẩm định quốc tế độc lập đến Việt Nam 2 đợt (1 tuần/đợt) để đến các nhà máy của LTG ở các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, và hàng trăm cuộc họp online giữa hai bên.

Ngoài ra, phía đối tác còn thực hiện phỏng vấn nhiều phòng ban bộ phận và tất cả chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của LTG như nhân sự, nhân viên mua hàng, bộ phận HSE, logistic, hành chính, phân phối, lực lượng "ba cùng", công đoàn, công nhân chính thức và công nhân thời vụ, nông dân, chính quyền địa phương, người dân xung quanh khu vực sản xuất.

Hơn thế nữa LTG còn chứng minh được trên thực tế về việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định lao động, sử dụng lao động trẻ em, bình đẳng giới, quy trình đánh giá nhà cung cấp, thủ tục đất đai, mức độ ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân trong khu vực hoạt động của LTG...

Với nguồn tài trợ 90 triệu USD này, LTG cam kết tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm cả các đối tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng môi trường nông thôn đáng sống.

Khoản đầu tư này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân mọi miền Tổ quốc, cho người tiêu dùng gạo trong nước, quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam và thế giới.

Bảo Ngọc

 

VIDEO