Thông tin Thông tin thị trường Chi tiết bài viết

Những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012

10/11/2022, 16:54

Bảo hiểm xã hội được sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư

Ngày 17/07/2012, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 113/2012/TT-BTC quy định chi tiết về hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) quản lý.

Theo quy định của Thông tư, nguồn vốn thực hiện hoạt động đầu tư tăng trưởng hàng năm của BHXHVN là toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm do BHXHVN quản lý. BHXHVN có trách nhiệm tập trung các khoản thu, cân đối thu, chi các quỹ bảo hiểm và xác định số tiền tạm thời nhàn rỗi để thực hiện hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm theo quy định.

Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể quy trình, thủ tục cho vay đối với ngân sách Nhà nước (NSNN), các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, đối với khoản vay của NSNN, thời hạn cho vay do BHXHVN và Bộ Tài chính thỏa thuận nhưng tối đa không quá 10 năm; lãi suất cho vay bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành tại thời điểm cho vay; định kỳ 05 năm 01 lần, các bên xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp. Thời hạn cho vay đối với các ngân hàng tối đa không quá 05 năm và chỉ được gia hạn 01 lần với thời hạn tối đa không quá 06 tháng (nếu có); lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lãi suất huy động bình quân cùng kỳ hạn của 04 sở giao dịch hoặc chi nhánh trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc 04 ngân hàng thương mại Nhà nước tương ứng.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể đối với các hình thức đầu tư khác như đầu tư theo hình thức mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương mại Nhà nước; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

Địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ việc làm cho thanh niên

Ngày 06/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 101/2009/TT-BTC ngày 20/05/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dự án, chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”.

Theo đó, kinh phí triển khai dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp”; dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”; chương trình “Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên” tại địa phương sẽ do ngân sách địa phương thực hiện. Đối với các nội dung dự án, chương trình do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh thực hiện, kinh phí sẽ do ngân sách Trung ương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cấp qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các nguồn huy động khác.

Về việc lập dự toán ngân sách đối với việc thực hiện các dự án vẫn theo quy định cũ. Riêng đối với kinh phí thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập dự toán kinh phí thực hiện dự án gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản Chương trình để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng, Quốc hội phê duyệt theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

Cấm ngân hàng gửi tiền ở ngân hàng khác

Ngày 18/06/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trong các quy định đáng chú ý nhất tại Thông tư này là việc NHNN cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Hoạt động cho vay, đi vay liên ngân hàng chỉ được thực hiện thông qua trụ sở chính của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thời hạn giao dịch chỉ được thưc hiện trong ngắn hạn (dưới 01 năm). Quy định này đã loại bỏ các khoản cho vay trung (1-5 năm) và dài hạn (trên 5 năm) trong các giao dịch liên ngân hàng.

Lãi suất cho vay và đi vay trên thị trường liên ngân hàng do các bên thỏa thuận, NHNN chỉ quy định lãi suất trên thị trường này khi có diễn biến bất thường.

Riêng các giao dịch đã thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành trên cơ sở các hợp đồng cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá và hợp đồng gửi tiền, nhận tiền gửi đã ký giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2012.

Cấm nhập khẩu máy thu phát thanh sóng vô tuyến đã qua sử dụng

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BTTTT ngày 17/07/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Cụ thể, từ ngày 01/09/2012, cấm nhập khẩu một số sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng như: Micro và giá đỡ micro; loa đã hoặc chưa lắp ráp vào trong vỏ loa; thiết bị điện khuyếch đại âm tần; bộ tăng âm điện; ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến; máy thu dùng cho phát thanh sóng vô tuyến; đèn điện tử…

Quy định nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu để làm dịch vụ sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới và tái xuất khẩu sản phẩm sau quá trình sản xuất; nhập khẩu để làm phương tiện sản xuất trực tiếp hoặc làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển; tái nhập khẩu sau khi đưa ra nước ngoài để bảo hành, bảo trì hoặc sửa chữa, làm mới; nhập khẩu phục vụ các mục đích đặc biệt khác…

Thông tư này thay thế Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2012.

Áp thuế nhập khẩu ưu đãi 10% đối với xe thiết kế chở tiền

Ngày 20/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.

Theo quy định tại Thông tư này, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 10% đối với xe thiết kế chở tiền chính thức được áp dụng từ ngày 03/09/2012.

Xe thiết kế chở tiền được áp dụng mức thuế suất nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau: Có xác nhận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về đảm bảo tiêu chuẩn xe thiết kế chở tiền do NHNN quy định; đối tượng sử dụng loại xe thiết kế chở tiền là NHNN và các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam …

Đối với các lô xe thiết kế chở tiền nhập khẩu từ ngày 01/08/2012 trở đi nếu đáp ứng các điều kiện về đối tượng sử dụng và có văn bản xác nhận của NHNN về đảm bảo đủ điều kiện là xe thiết kế chở tiền theo quy định của pháp luật thì thực hiện phân loại và tính thuế nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/09/2012.

Ban hành chỉ tiêu thống kê ngành Công nghiệp và Thương mại

Ngày 20/07/2012, Bộ Công Thương đã ra Thông tư số 19/2012/TT-BCT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành công nghiệp và thương mại.

Hệ thống bao gồm các chỉ tiêu quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc bộ như chỉ tiêu về giá trị sản xuất ngành khai khoáng; sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu; tổng số người mắc bệnh nghề nghiệp; tổng lượng nước thải công nghiệp…

Đây là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình ngành công nghiệp - thương mại để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác điều hành, quản lý các cơ quan Nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và của ngành công nghiệp - thương mại trong từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin của ngành công nghiệp - thương mại.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng khái niệm, nội dung, phạm vi, phương pháp tính và thu thập tổng hợp những chỉ tiêu được phân công trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành công nghiệp và thương mại cung cấp cho Vụ Kế hoạch để tổng hợp và công bố.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2012.

UBND hỗ trợ kinh phí hoạt động Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/07/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ Hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước, UBND các cấp còn phải thực hiện một trách nhiệm khác, như: Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách…

Nghị định này thay thế Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 07/03/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/09/2012.

Thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu là 25%

Đây là một trong các tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015.

Ngoài việc có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo phải từ 25% trở lên, thôn được công nhận là thôn đặc biệt khó khăn phải có ít nhất 02 trong 03 yếu tố như: Trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề; Trên 50% số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; Trên 30% số hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh và một số tiêu chí khác.

Cụ thể như: Chưa có đường giao thông từ thôn đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn; chưa đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo theo quy định hoặc chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn hay có trên 30% số hộ chưa có điện sinh hoạt và đáp ứng ít nhất 02 trong các điều kiện sau: Trên 20% số hộ thiếu đất sản xuất; Trên 50% diện tích đất canh tác có nhu cầu tưới tiêu, nhưng chưa được tưới tiêu; Dưới 10% số hộ làm nghề phi nông nghiệp hoặc chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thôn, bản.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/09/2012.

Tổ chức tín dụng phải công khai việc tham gia bảo hiểm tiền gửi

Ngày 20/07/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2012/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, đáng chú ý là quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và chi nhánh.

Cũng theo Nghị định này, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định do Chính phủ quy định. Khi có sự thay đổi vốn điều lệ, vốn được cấp, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công bố công khai số vốn điều lệ, vốn được cấp mới.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của tổ chức tín dụng), trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính, bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế TNDN và chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có)…

Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài và TCTD khác, việc phân phối lợi nhuận sau thuế TNDN được thực hiện như sau: Trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của TCTD, hoặc vào quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính. Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/09/2012; thay thế các Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 và Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006.

Kho bạc Nhà nước không chịu trách nhiệm về số lượng tài sản gửi còn niêm phong

Ngày 27/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2012/TT-BTC quy định việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận gửi và bảo quản.

Theo quy định tại Thông tư này, KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản trong gói còn nguyên niêm phong cũng như quyền sở hữu hợp pháp tài sản của cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi KBNN bảo quản.

Cũng theo Thông tư này, từ ngày 15/09, mức thu phí bảo quản tài sản sẽ được xác định theo 02 loại: Tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá. Cụ thể, mức thu phí đối với tài sản quý hiếm bằng 0,05%/giá trị tài sản/tháng, nhưng tối thiểu không dưới 100.000 đồng/túi (gói)/tháng, tối đa không quá 1.000.000 đồng/túi (gói)/tháng; mức thu phí đối với giấy tờ có giá bằng 0,04% mệnh giá ghi trên giấy tờ có giá/01 tháng nhưng tối thiểu không dưới 80.000 đồng/túi (gói)/tháng và tối đa không quá 500.000 đồng/túi (gói)/tháng.

Trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản bảo quản, KBNN cùng khách hàng thỏa thuận, thống nhất mức phí hợp lý.

Phí bảo quản tài sản, bên gửi phải trả cho KBNN theo quy định tại hợp đồng bảo quản tài sản. Trường hợp gửi quá hạn hợp đồng, bên gửi phải chịu mức phí gửi quá hạn bằng 150% mức phí trong hạn cho số ngày quá hạn hợp đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2012 và thay thế các Thông tư số 80/1999/TT-BTC ngày 29/06/1999, Thông tư số 27/2000/TT-BTC ngày 06/04/2000.

Thực hiện tương trợ tư pháp theo công ước chống tham nhũng

Bám sát yêu cầu và lộ trình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (sau đây gọi là Công ước), ngày 26/07/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước, nhằm quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Công ước.

Theo Quy chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết các yêu cầu của quốc gia thành viên Công ước về tương trợ tư pháp dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời, đề nghị các quốc gia này giải quyết các yêu cầu tương tự của Việt nam. Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ phụ trách các yêu cầu về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt, thực hiện các quyết định có liên quan của tòa án có thẩm quyền. Đối với các yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự sẽ do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì giải quyết.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình, nhằm bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước về các nội dung phòng ngừa, hình sự hóa và thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin liên quan đến Công ước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước với các hình thức phù hợp, hiệu quả cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và công dân…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/09/2012.

Cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với các mặt hàng sắt, thép

Ngày 07/08/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với sản phẩm thép.

Các mặt hàng được áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động bao gồm sắt, thép và các sản phẩm bằng sắt hoặc thép, cụ thể như: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, không phân biệt chiều rộng, cán nguội (ép nguội), chưa dát phủ, mạ hoặc tráng; các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng, chưa phủ, mạ hoặc tráng; sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng; sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác, mới chỉ qua rèn, cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn nóng, kể cả công đoạn xoắn sau khi cán; các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng…

Giấy phép nhập khẩu tự động có giá trị thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận. Trong trường hợp Giấy phép bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân có thể làm văn bản giải trình đề nghị Bộ Công Thương cấp lại Giấy phép, kèm theo đơn đăng ký.

Ngoài ra, thương nhân cũng có thể lựa chọn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet thông qua việc khai báo các thông tin về hồ sơ thương nhân qua mạng Internet theo hệ thống phần mềm do Bộ Công Thương quy định và gửi hồ sơ thương nhân về địa điểm đăng ký cấp phép nhập khẩu tự động khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2012.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động

Ngày 30/07/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị định số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2012 là DN có tổng số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm 2012 trên 300 người trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 03 tháng; DN nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Trường hợp DN nhỏ và vừa có hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực thì số thuế TNDN được giảm không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng theo Nghị định này, trong cùng 01 thời gian, nếu DN được hưởng các mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng 01 khoản thu nhập thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất. Trường hợp DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật thì số thuế TNDN được giảm theo quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế TNDN đang được hưởng ưu đãi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2012.

Tổ chức tín dụng giao dịch tiền mặt với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tối đa 2 lần/ngày

Ngày 09/08/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 23/2012/TT-NHNN quy định về chế độ điều hòa tiền mặt, giao dịch tiền mặt.

Theo đó, Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước giao dịch tiền mặt với NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN tối đa 02 lần/ngày và phải thông báo trước thời điểm giao dịch ít nhất 02 giờ. Trường hợp TCTD có nhiều chi nhánh trên cùng địa bàn, NHNN chi nhánh thực hiện việc giao dịch tiền mặt thông qua đơn vị đầu mối do TCTD lựa chọn trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về an toàn kho quỹ và các điều kiện khác theo quy định của NHNN.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư này, NHNN lập Quỹ dự trữ phát hành và Quỹ nghiệp vụ phát hành để quản lý tiền dự trữ phát hành và thực hiện nghiệp vụ phát hành tiền đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, nhu cầu tiền dự trữ phát hành, nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành. Các quỹ này lần lượt được quản lý ở các kho tiền Trung ương, kho tiền NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kho tiền Sở Giao dịch NHNN, các kho tiền NHNN chi nhánh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/09/2012.

Người có chứng chỉ kiểm toán quốc tế được thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 129/2012/TT-BTC ngày 09/08/2012 của Bộ Tài chính quy định về việc thi và cấp chứng chứng chỉ kiểm toán viên (CCKTV) và chứng chỉ hành nghề kế toán.

Theo đó, người có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành không thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các các khoá học do tổ chức nghề nghiệp (TCNN) quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp (TCNN này là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế đã thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoạt động tại Việt Nam; đã ký thoả thuận hợp tác về chương trình thi phối hợp cấp CCKTV chuyên nghiệp với Bộ Tài chính Việt Nam; có nội dung học, thi được thực hiện thống nhất ở tất cả các quốc gia nơi TCNN này có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoạt động…) vẫn có thể dự thi lấy CCKTV nếu đáp ứng đầy đủ một số điều kiện khác.

Cụ thể như: Người dự thi lấy CCKTV phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 60 tháng trở lên hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 48 tháng trở lên tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi; nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và lệ phí thi theo quy định…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2012; thay thế Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 và Thông tư số 171/2009/TT-BTC ngày 24/08/2009.

Quả tươi lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm dịch

Ngày 13/08/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo quy định tại Thông tư này, các vật thể như: Cây và các bộ phận của cây còn sống được sử dụng để trồng trọt; quả tươi; cỏ và hạt cỏ các loại; sinh vật có ích và sinh vật sống khác có nguy cơ gây hại tài nguyên thực vật; gỗ tròn, gỗ xẻ chưa qua xử lý kiểm dịch thực vật và các vật thể khác có nguy cơ cao mang theo dịch hại thuộc diện điều chỉnh của pháp luật, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam hoặc có xuất xứ mới phải được phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 27/09/2012.

Cũng theo Thông tư này, khi có bằng chứng khoa học và thực tế về sự bùng phát dịch hại kiểm dịch thực vật; dịch hại thuộc diện điều chỉnh hoặc khi phát hiện dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam trên vật thể nhập khẩu; dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam trên giống cây nhập khẩu hay khi nước xuất khẩu đưa ra biện pháp quản lý dịch hại mới, các vật thể nêu trên đều phải được xem xét và đánh giá lại kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đã có.

Trong một số trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể quyết định miễn phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  27/09/2012.

VIDEO